Kiên Giang

Điều kiện xã hội

1. Đơn vị hành chính

Tỉnh Kiên Giang có 15 đơn vị hành chính bao gồm: Thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên và 13 huyện thuộc làm 3 vùng: Vùng Tứ giác Long Xuyên gồm các huyện: Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất; vùng Tây sông Hậu gồm các huyện: Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng và Gò Quao; vùng U Minh Thượng gồm các huyện: An Biên, An Minh, U Minh Thượng, và Vĩnh Thuận; vùng đảo và hải đảo gồm các huyện: Kiên Hải và Phú Quốc.

 

2. Dân số và Lao Động:

Dân số Kiên Giang gần 1,8 triệu người, trong đó dân tộc chủ yếu là người Kinh, Khmer và Hoa. Dân số của tỉnh phân bố không đều, thường tập trung ở ven trục lộ giao thông, kênh rạch, sông ngòi và một số đảo lớn.

Tỉnh Kiên Giang có số lượng lao động dồi dào với lực lượng trong độ tuổi lao động trên 1 triệu  người. Cơ cấu lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 56,37%; khu vục công nghiệp và xây dựng là 12,74%; khu vực dịch vụ là 30,89%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 35,5%, trong đó đào tạo nghề đạt 32%. Kiên Giang có lực lượng lao động trẻ, có tay nghề đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

 

 3. Giáo dục và Đào tạo:

Hiện toàn tỉnh Kiên Giang có 1 trường đại học, 5 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp chuyên nghiệp, 14 trung tâm dạy nghề cấp tỉnh, huyện và nhiều cơ sở dạy nghề với quy mô nhỏ. Toàn tỉnh có 616 trường, trong đó có 51 trường trung học phổ thông với hơn 34.000 ngàn học sinh, hàng năm có khoảng 99,53% học sinh phổ thông tốt nghiệp và gần 13 ngàn lượt thí sinh dự thi vào các trường đại học, cao đẳng.

 

Cơ sở hạ tầng

Tỉnh Kiên Giang cách thành phố Hồ Chí Minh 250km, cách thành phố Cần Thơ 115km. Mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không nối liền các tỉnh trong cả nước và các nước trong khu vực, thuận lợi cho việc hợp tác đầu tư, trao đổi thương mại và phát triển du lịch.

 

1. Đường bộ: Quốc lộ 80 nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến cửa khẩu quốc tế Hà Tiên sang Vương quốc Campuchia, Quốc lộ 61 nối tỉnh Hậu Giang, Quốc lộ 63 nối tỉnh Cà Mau. Hệ thống đường bộ của tỉnh Kiên Giang thông suốt đến trung tâm các huyện, xã. Với Dự án cầu Cái Lớn - Cái Bé hoàn thành đã tạo tuyến giao thông liền mạch kết nối các huyện trong tỉnh và các tỉnh vùng Bán đảo Cả Mau.

 

2. Đường thủy: Kiên Giang có hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt nối với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh. Do có vùng biển rộng lớn, hệ thống cảng biển của tỉnh Kiên Giang cũng đa dạng và phát triển đáp ứng năng lực bốc dở hàng hóa và đi lại của người dân như: Cảng biển Rạch Giá, Tắc Cậu, Hòn Chông, Bãi Vòng, An Thới...

 

3. Đường hàng không: Kiên Giang có Cảng hàng không Rạch Giá với các đường bay nội địa đến các tỉnh và thành phố trong nước và Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đã mở các đường bay quốc tế đến các quốc gia như: Nga, Hàn Quốc, Singapore, Campuchia... Theo quy hoạch đến 2030, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc có khả năng tiếp nhận 20 máy bay trong giờ cao điểm, lượng hàng hóa qua cảng là 27.600 tấn/năm, công suất 7 triệu hành khách/năm, riêng giờ cao điểm có thể đón 3.500 người.

 

4. Bưu chính - Viễn thông:

Mạng lưới bưu chính viễn thông của tỉnh Kiên Giang đã được đầu tư hiện đại hóa, đảm bảo thông tin liên lạc trong nước và quốc tế được thông suốt; đảm bảo cung cấp các dịch vụ với chi phí phù hợp và độ tin cậy cao. Các điểm bưu cục, bưu điện văn hóa xã đã đến tận các xã vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên địa bàn tỉnh; 100% các xã, phường, thị trấn đã có điện thoại cố định. Các loại hình dịch vụ như: Điện thoại di động, internet băng thông rộng đã phủ khắp các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

 

5. Mạng lưới điện và nước:

Mạng lưới điện của tỉnh Kiên Giang cũng được đầu tư đồng bộ và hiện đại. Hiện nay, các huyện, thị trấn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã có điện chiếu sáng. Đặc biệt, dự án cáp điện ngầm 100KV xuyên biển nối Hà Tiên - Phú Quốc và dự án đường dây 22KV vượt biển nối Hòn Đất - Hòn Tre hoàn thành đã đảm bảo cung cấp điện ổn định cho huyện đảo Phú Quốc và xã đảo Hòn Tre, huyện Kiên Hải.

Cấp nước: Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 13 nhà máy cung cấp nước sạch với công suất 60.700 m3/ngày/đêm. Nước sạch đã đáp ứng trên 92% nhu cầu sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh.

 

6. Thương mại - Dịch vụ:

a. Thương mại

Hoạt động thương mại của tỉnh Kiên Giang được đầu tư phát triển đa dạng, theo hướng văn minh, hiện đại với các loại hình siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống tạo nên thị trường hàng hóa phong phú. Với vị trí là cửa ngõ phái Tây Nam, tỉnh Kiên Giang là nơi tập trung nguồn nguyên liệu chế biến, trung chuyển, mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thương mại cho vùng và nhiều tỉnh khác trong nước và phát triển thương mại với nước ngoài.

Tỉnh Kiên Giang hiện có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường, gồm: Gạo, thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ hộp, mực tuột đông, cá đông, tôm đông, cá cơm xấy, hồ tiêu, nước mắm...

 

b. Dịch vụ

Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang phát triển mạnh mẽ. Hiện, toàn tỉnh có trên 50 tổ chức tín dụng, trong đó có 26 ngân hàng thương mại, 1 ngân hàng chính sách xã hội, 1 ngân hàng hợp tác, 22 quỹ tín dụng cơ sở đáp ứng nhu cầu về vốn cho nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; hệ thống chuyển tiền điện tử đã được triển khai, đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp và cá nhân. Hệ thống điểm đặt máy rút tiền ATM có mặt hầu hết tại trung tâm thành phố, thị xã và thị trấn trên địa bàn tỉnh.

 

Điều kiện tự nhiên

1. Vị trí địa lý

Tỉnh Kiên Giang có diện tích trên 6.346km2, nằm ở tận cùng phía Tây Nam của Việt Nam, là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích tỉnh Kiên Giang bao gồm phần đất liền và phần hải đảo. Phần đất liền có phía Bắc giáp Campuchia với đường biên giới dài 56,8km, phía Nam giáp tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau, phía Tây giáp vịnh Thái Lan với đường bờ biển dài 200km, phía Đông lần lượt tiếp giáp với tỉnh An Giang, thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang.

 

Phần hải đảo nằm trong vịnh Thái Lan có 139 hòn đảo lớn nhỏ (trong đó có 43 đảo có dân cư sinh sống), trong đó lớn nhất là đảo Phú Quốc và xa nhất là đảo Thổ Chu, tập trung thành 5 quần đảo: Bà Lụa, Hải Tặc, An Thới,  Nam Du và Thổ Chu.

2. Địa hình

Tỉnh Kiên Giang nằm ở phía Tây Nam Việt Nam nên có đủ các dạng địa hình từ đồng bằng, rừng núi đến biển đảo. Riêng, phần đất liền có địa hình tương đối bằng phẳng, thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam.. Phân theo đặc điểm địa hình và điều kiện tự nhiên thì tỉnh Kiên Giang chia thành 4 tiểu vùng địa hình, gồm: Vùng Tứ giác Long Xuyên chủ yếu có địa hình đồi thấp và đất phèn ngập lũ; vùng Tây sông Hậu có địa hình đồng bằng và đất phù sa nước ngọt; vùng U Minh Thượng là vùng đồng bằng, chủ yếu có đất nhiễm mặn; vùng đảo và hải đảo có địa hình đồi núi, hải đảo.

 

3. Tài nguyên đất đai

Đất đai của Kiên Giang phù hợp cho việc phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, với tổng diện tích đất tự nhiên là 634.800ha, trong đó: Nhóm đất nông nghiệp gần 576.000ha chiếm 91% đất tự nhiên (riêng đất trồng lúa là 354.000ha chiếm gần 62% đất nông nghiệp); nhóm đất phi nông nghiệp 53.000 ha, chiếm 8,39% diện tích tự nhiên; đất có mặt nước ven biển gần 14 ha. Đất đai của tỉnh Kiên Giang rất thích hợp cho trồng lúa nước, các loại hoa màu và một số cây có giá trị công nghiệp cao như: Dừa, khóm, mía, tiêu... Và cũng rất thích hợp cho nuôi trồng thủy sản.

 

4. Tài nguyên rừng

Kiên Giang là một trong hai tỉnh có diện tích rừng lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng gần 86.000 ha. Trong đó, Kiên Giang có Khu Dự trữ Sinh quyển lớn thứ 2 trong 8 Khu Dự trữ Sinh quyển của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới. Khu Dự trữ Sinh quyển Kiên Giang bao trùm lên địa phận các huyện Phú Quốc, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Kiên Lương và Kiên Hải; trong đó có ba vùng lõi thuộc Vườn quốc gia U Minh Thượng, Vườn Quốc gia Phú Quốc và rừng phòng hộ ven biển Kiên Lương và Kiên Hải.

Rừng Kiên Giang có trên 147 loài động vật quý hiếm, có giá trị bảo tồn và tham quan du lịch.

 

5. Tài nguyên thủy sản

Kiên Giang có 200 km bờ biển với ngư trường khai thác thủy sản rộng trên 63.000 km2. Biển Kiên Giang có 139 hòn đảo, trong đó có 43 hòn đảo có dân cư sinh sống; nhiều cửa sông, kênh rạch đổ ra biển, tạo nguồn thức ăn tự nhiên phong phú cung cấp cho các loài hải sản cư trú và sinh sản, là ngư trường khai thác trọng điểm của cả nước. Theo điều tra của Viện Nghiên cứu Biển Việt Nam, vùng biển Kiên Giang có trữ lượng cá, tôm khoảng 500.000 tấn, trong đó vùng ven bờ có độ sâu 20 m - 50 m có trữ lượng chiếm 56% và trữ lượng cá tôm ở tầng nổi chiếm 51,5%, hàng năm sản lượng khai thác hải sản đạt trên 400.000 tấn. Hiện nay tỉnh Kiên Giang có trên 10.000 phương tiện khai thác hải sản với tổng công suất trên 1,4 triệu mã lực đáp ứng nhu cầu khai thác cũng như thu mua và chế biến hải sản xuất khẩu quanh năm.

Vùng biển Kiên Giang ngoài cá, tôm còn có nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như: Đồi mồi, hải sâm, bào ngư, ngọc trai... Với trữ lượng lớn, điều kiện khai thác thuận lợi nên tài nguyên thủy sản chính là lợi thế so sánh của tỉnh Kiên Giang so với nhiều tỉnh khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong tương lai, tỉnh Kiên Giang sẽ phát triển dự án đánh bắt xa bờ tại vùng biển Đông Nam bộ để tăng sản lượng khai thác mà vẫn bảo vệ được môi trường và nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Bên cạnh vùng biển rộng lớn, tỉnh Kiên Giang còn có nhiều vùng nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp với diện tích 88.000 ha, tổng sản lượng hàng năm trên 81.000 tấn, tập trung ở thị xã Hà Tiên và các huyện: Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, An Minh, An Biên và Vĩnh Thuận.

 

6. Tài nguyên khoáng sản

Có thể nói tỉnh Kiên Giang là tỉnh có nguồn khoáng sản dồi dào bậc nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo thăm dò điều tra địa chất thì ở Kiên Giang xác định được 152 điểm quặng và mỏ của 23 loại khoáng sản thuộc các nhóm như: Nhóm nhiên liệu (than bùn), nhóm không kim loại (đá vôi, đá xây dựng, đất sét…), nhóm kim loại (sắt, laterit sắt…), nhóm đá bán quý (huyền thạch anh - opal…), trong đó chiếm chủ yếu là khoáng sản không kim loại dùng sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng. Theo điều tra của Liên đoàn Địa chất, trữ lượng đá vôi trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 440 triệu tấn, có khả năng khai thác 342 triệu tấn Theo quy họach của tỉnh, trữ lượng đá vôi cho khai thác sản xuất vật liệu xây dựng là 255 triệu tấn, đảm bảo đủ nguyên liệu cho sản xuất 4,6 triệu tấn clinker/năm. Riêng than bùn, ước tính còn khoảng 150 triệu tấn, sét gạch ngói và sét xi măng 228 triệu tấn.

 

7. Tài nguyên du lịch

Kiên Giang được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều điều kiện để phát triển du lịch với địa hình rừng núi, vùng biển rộng lớn, bờ biển dài, cát trắng, nước biển xanh và 145 hòn đảo lớn nhỏ. Đồng thời, tỉnh Kiên Giang nằm tận cùng về phía Tây Nam của Việt Nam là nơi giao thoa văn hóa của nhiều vùng miền trong nước cho nên bản sắc văn hoá của tỉnh Kiên Giang cũng vì thế mà rất phong phú và đặc sắc, thể hiện qua các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, lễ hội, làng nghề truyền thống... Riêng phần văn hóa ẩm thực của tỉnh Kiên Giang cũng rất phong phú và đa dạng, với hàng trăm món ăn ngon và các đặc sản nổi tiếng như: Gỏi cá trích, cháo môn, sò huyết Hà Tiên, xôi Hà Tiên, bún kèn, bún cá Kiên Giang, bánh canh ghẹ, khóm (dứa) Tắc Cậu, nấm tràm, hải sâm, bánh tét cật, rượu sim, trái mây Phú Quốc, nước mắm Phú Quốc, hồ tiêu Phú Quốc...

Theo đặc điểm địa hình và văn hóa, tỉnh Kiên Giang quy hoạch chia ra 4 vùng du lịch trọng điểm:

- Vùng thành phố Rạch Giá - Hòn Đất - Kiên Hải:

Thành phố Rạch Giá là trung tâm hành chính, kinh tế và văn hóa của tỉnh Kiên Giang, có bờ biển dài 7 km. Thành phố Rạch Giá có cơ sở hạ tầng tốt, nhiều di tích lịch sử văn hóa; đặc biệt, khu lấn biển thành phố Rạch Giá đang phát triển mạnh các dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ vui chơi giải trí về đêm đảm bảo nhu cầu giải trí của người dân thành phố cũng như du khách bốn phương khi đến đây. Tại thành phố Rạch Giá cũng có rất nhiều di tích lịch sử văn hóa thu hút rất đông khách du lịch khi đến đây như: Cổng Tam Quan, nhà thờ Lớn, Mộ Hội Đồng Suông, Bảo tàng Kiên Giang, chùa Tam Bảo, chùa Quan Đế, Đền thờ Nguyễn Trung Trực.

Đặc biệt,  Lễ hội Kỷ niệm Ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực diễn ra vào các ngày 27 - 28 - 29 tháng Tám Âm lịch hàng năm thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham gia.

Một số khu vực phụ cận như huyện đảo Kiên Hải, huyện Hòn Đất cũng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Huyện Kiên Hải đang khai thác du lịch khám phá biển đảo với các điểm hấp dẫn như: Bãi Chén, động Dừa, Đuôi Hà Bá ở xã Hòn Tre; bãi Bàng, miếu Ba Cố Chũ, đỉnh Ma Thiên Lãnh ở xã Lại Sơn... Huyện Hòn Đất đang khai thác loại hình du lịch tìm hiểu lịch sử và thắng cảnh với các địa điểm như: Khu mộ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng (Chị Sứ), hòn Quéo, trạm phát sóng Hòn Me...

- Vùng U Minh Thượng:

Bao gồm 4 huyện: An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận; trong đó, Vườn Quốc gia U Minh Thượng là khu du lịch trọng điểm của vùng. Với đặc thù sinh thái rừng nhiệt đới ngập nước trên đất than bùn, Vườn Quốc gia U Minh Thượng vừa là khu căn cứ địa cách mạng vừa là Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới. Khu du lịch Vườn Quốc gia U Minh Thượng phục vụ khách tham quan du lịch sinh thái với 243 loài thực vật có mạch bậc cao như: Bùi, mốp, dấu, trâm, gáo... Hơn 32 loài thú, 186 loài chim, 39 loài bò sát lưỡng cư, 34 loài cá... Ngoài ra, rừng U Minh Thượng còn có nhiều loại động vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như: Rái cá long mũi, mèo cá, bồ nông chân xám, gà đãy Java, tê tê...

Bên cạnh đó, vùng U Minh Thượng còn phát triển loại hình du lịch tìm hiểu văn hóa nhân văn, du lịch nghiên cứu và du lịch tìm hiểu lịch sử cách mạng với các điểm nổi tiếng như: Di chỉ khảo cổ Ốc Eo - Phù Nam (Cạnh Đền, Nền Vua, Kè Một). Quần thể di tích căn cứ địa cách mạng U Minh Thượng với di tích Ngã Ba Cây Bàng, Xép Ba Tàu, Thứ Mười Một, Rừng tràm Ban Biện Phú, khu tập kết 200 ngày kinh xáng Chắc Băng...

- Vùng Hà Tiên - Kiên Lương:

Hà Tiên là một thị xã nhỏ nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Kiên Giang, Hà Tiên là mảnh đất cuối cùng của Việt Nam tiếp giáp với vịnh Thái Lan, có đường bờ biển dài chừng 22 km, và từ lâu đã nổi tiếng là nơi có nhiều thắng cảnh đẹp, non nước hữu tình làm say lòng du khách tham quan. Đến với Hà Tiên, du khách sẽ bị cuốn hút bởi những cảnh đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất này, từ núi non hùng vĩ như: Núi Thạch Động, núi Đá Dựng, núi Tô Châu, núi Pháo Đài... cho đến những bải biển nên thơ như: Bãi biển Mũi Nai, bãi Bãi Nò, bãi Dương và khung cảnh lãng mạn của đầm Đông Hồ. Đến với Hà Tiên, du khách còn tìm hiểu các giá trị văn hóa của mảnh đất này qua các di tích lịch sử văn hóa như: Lăng Mạc Cửu, chùa Xà Xia, chùa Tam Bảo và nhiều lễ hội cổ truyền đặc sắc. Hiện nay, Kiên Giang đang khai thác du lịch đến nước bạn trong khu vực qua đường Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên.

Cùng với thị xã Hà Tiên thì huyện Kiên Lương cũng là địa danh hội tựu nhiều cảnh đẹp thiên và các di tích lịch sử cách mạng. Đến với Kiên Lương du khách sẽ được khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ với các địa danh như: Hòn Phụ Tử, hòn Trẹm, hòn Chông, hang động Moso, quần đảo Bà Lụa, quần đảo Hải Tặc... Thị xã Hà Tiên và huyện Kiên Lương tạo thành chuỗi du lịch khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa lịch sử hấp dẫn.

- Phú Quốc:

Phú Quốc có diện tích trên 589km2, nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á, đang được đầu tư trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp của Việt Nam và khu vực.

Phú Quốc có địa hình độc đáo gồm dãy núi nối liền chạy dài từ Bắc xuống Nam đảo. Phú Quốc có Vườn Quốc gia Phú Quốc với hệ động thực vật vô cùng phong phú và có bờ biển dài khoảng 150km với nhiều bãi tắm đẹp, cát trắng, mịn, biển trong xanh hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế như: Bãi Trường, bãi Cửa Lấp - Bà Kèo, bãi Sao, bãi Đại, bãi Khem... và xung quanh còn có 26 đảo lớn nhỏ.

Đến với Phú Quốc, du khách không chỉ được khám phá rừng nguyên sinh và tắm biển mà còn được tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của người dân xứ đảo, cùng với các di tích lịch sử và thưởng thức các món ẩm thực độc đáo chỉ có tại nơi đây như: Rượu sim, gỏi cá trích, nấm tràm, đặc biệt là nước mắm Phú Quốc cùng các sản vật địa phương như ngọc trai và hồ tiêu.